HỘI NGHỊ “CẬP NHẬT CÁC TIẾN BỘ MỚI TRONG QUẢN LÝ BỆNH TIÊU HOÁ VÀ GAN MẬT” DO VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO TIÊU HOÁ, GAN MẬT TỔ CHỨC DIỄN RA THÀNH CÔNG VÀO NGÀY 08/12/2024

 

🌟 Ngày 8/12/2024 vừa qua, hội nghị khoa học với chủ đề "CẬP NHẬT CÁC TIẾN BỘ MỚI TRONG QUẢN LÝ BỆNH TIÊU HOÁ VÀ GAN MẬT" đã diễn ra thành công rực rỡ. Đây cũng là sự kiện khoa học thường niên, đánh dấu cột mốc quan trọng kỷ niệm 6 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật.

 

HỘI NGHỊ “CẬP NHẬT CÁC TIẾN BỘ MỚI TRONG QUẢN LÝ BỆNH TIÊU HOÁ VÀ GAN MẬT” NGÀY 08/12/2024

 

Ths. Đào Minh Hoàng gửi lời chào nồng nhiệt và lời chúc sức khỏe tới tất cả các quý vị khách mời

 

✴️ Mở đầu buổi lễ, Ths. Đào Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Y tế Hoàng Long thay mặt ban tổ chức gửi lời chào nồng nhiệt và lời chúc sức khỏe tới tất cả các quý vị khách mời. Phát biểu khai mạc, GS. TS. BS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu & Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hệ thống y tế Hoàng Long đã bày tỏ niềm vinh dự và sự biết ơn sâu sắc trước sự hiện diện của các thầy cô, đồng nghiệp, các chuyên gia, bác sĩ trong nước và quốc tế, các đơn vị báo chí, các đại biểu trực tuyến và trực tiếp tại hội thảo.

 

TS. Phan Xuân Dũng lên phát biểu tại hội nghị

 

🔰 TS. Phan Xuân Dũng, đại diện Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã có đôi lời phát biểu về ý nghĩa thành lập cũng như những kết quả, thành tích chuyên môn của Viện Nghiên cứu & Đào tạo Tiêu hóa, Gan Mật trong vòng 6 năm tồn tại và phát triển.

 

TS. Nguyễn Ngô Quang lên phát biểu tại hội nghị

 

🔰 Tại hội thảo, TS. Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ gần 1/10 dân số mắc bệnh tiêu hóa là thách thức lớn với hệ thống y tế.

 

Hiện nay và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào trong chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm là hướng đi quan trọng để giảm bớt gánh nặng này. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao về công tác chia sẻ và đào tạo kinh nghiệm trong chuyên ngành của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật với các chuyên gia, bác sĩ cũng như là công tác tái cấp giấy phép hành nghề liên tục theo luật khám chữa bệnh, từ đó thấy được hệ thống y tế Hoàng Long là cơ sở chất lượng, uy tín. Cùng với đó, TS Nguyễn Ngô Quang hy vọng Viện và phòng khám Hoàng Long sẽ tiếp tục phát triển và duy trì chương trình đào tạo y khoa liên tục để trở thành cơ sở thực hành đáng tin cậy cho các trường đại học trong khối ngành sức khỏe. Điều này không chỉ giúp các bác sĩ chuyên khoa cập nhật kiến thức và kỹ thuật y học hiện đại, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.

 

GS. TS. BS Đào Văn Long phát biểu tại hội nghị

 

🔰 GS. TS. BS Đào Văn Long cũng đã có chia sẻ về những số liệu ấn tượng về số lượng bệnh nhân thăm khám, điều trị tại phòng khám Hoàng Long và nhấn mạnh sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ nội soi, đặc biệt là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa. Công nghệ này không chỉ là công cụ đắc lực trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa phức tạp tại phòng khám Hoàng Long mà còn mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và ứng dụng trong y tế nói chung. Đồng thời, GS Đào Văn Long cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng các bệnh lý tiêu hóa, gan mật, tụy tại Việt Nam, đáng lưu ý nhất là các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, đại trực tràng và gan mật tụy với tỷ lệ mắc bệnh, tử vong tăng cao và có xu hướng trẻ hóa đáng lo ngại.

 

🔰 Bước vào phiên thảo luận khoa học thứ nhất, các chuyên gia đã trình bày báo cáo với chủ đề “Cập nhật các tiến bộ mới trong quản lý bệnh đường tiêu hoá”. Nội dung phiên bao gồm: 

➖ Ứng dụng Al trong nội soi tiêu hoá: Cơ hội và thách thức - PGS.TS.BS. Tomoaki Matsumura (Bệnh viện Đại học Chiba, Nhật Bản): 

 

PGS.TS.BS. Tomoaki Matsumura trình bày báo cáo

 

Theo thống kê, tỷ lệ mắc Barrett TQ có xu hướng tăng theo thời gian, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ bỏ sót được ghi nhận đối với tổn thương đường tiêu hóa trên (như ung thư thực quản, ung thư dạ dày…) là 11,3%. Tỷ lệ bỏ sót polyp/adenoma đại trực tràng (tổn thương tiền ung thư) là 21 – 27%.

 

Việc ứng dụng AI là hướng đi tiềm năng cho nội soi tiêu hóa nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung. Các hệ thống nội soi hỗ trợ phát hiện tổn thương đường tiêu hóa trên trên thế giới hiện nay tập trung vào các tổn thương ung thư biểu mô vảy thực quản, ung thư biểu mô tuyến từ Barrett thực quản và ung thư dạ dày. AI đạt độ nhạy 91,2% và độ đặc hiệu 80,0% trong hỗ trợ chẩn đoán ung thư biểu mô vảy thực quản, giúp giảm tỷ lệ bỏ sót tổn thương ung thư biểu mô vảy thực quản từ 6,7% xuống 1,7%. AI cải thiện hiệu suất của chuyên gia và các bác sĩ nội soi không chuyên trong chẩn đoán Barrett thực quản với độ chính xác của bác sĩ trước và sau khi có AI lần lượt là 71,5% và 72,7% với nhóm chuyên gia; 68,6% và 71,4% với nhóm bác sĩ nội soi không chuyên. Đối với tổn thương ở dạ dày, nghiên cứu của Lianlian Wu và cộng sự cho thấy AI giảm tỷ lệ bỏ sót khối u dạ dày từ 23,7% xuống 6,1%. Các hệ thống hỗ trợ phát hiện và sàng lọc ung thư dạ dày có độ nhạy trên 90% và độ đặc hiệu từ 87,6% đến 93,6%. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Djinbachian R và cộng sự cho thấy chẩn đoán polyp đại trực tràng dựa trên AI có độ chính xác của AI (77,2%) cao hơn so với chẩn đoán do bác sĩ nội soi (72,1%).

 

AI có tiềm năng trở thành công cụ có giá trị để giảm nguy cơ bỏ sót tổn thương và chuẩn hóa độ chính xác chẩn đoán của bác sĩ nội soi mới. Tuy nhiên, hiệu quả và lợi ích về chi phí của hệ thống AI này trong các bối cảnh lâm sàng thực tế vẫn đang được đánh giá thêm.

 

➖ Cập nhật quản lý trùng lặp GERD và khó tiêu chức năng - PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng (Giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). 

 

PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng trình bày báo cáo

 

Hiện tượng chồng lắp các rối loại chức năng đường tiêu hóa khá phổ biến, trong đó hay gặp thể chồng lắp giữa bệnh trào ngược dạ dày- thực quản (GERD) và khó tiêu chức năng (FD). Chồng lắp GERD và FD thường có triệu chứng nặng hơn, đi kèm với sự giảm điểm sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần so với nhóm chỉ mắc GERD hay FD thông thường. Cơ chế bệnh sinh của hiện tượng chồng lắp giữa GERD và FD được cho là liên quan tới tình trạng giảm nhu động thực quản, chậm làm rỗng dạ dày và tình trạng tăng nhận cảm tạng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chồng lắp GERD và FD còn gặp nhiều thách thức như triệu chứng cả hai bệnh đều không đặc hiệu, các bộ câu hỏi lâm sàng hiện này có độ nhạy và độ đặc hiệu không cao, tỷ lệ chẩn đoán bệnh dựa trên nội soi dạ dày – thực quản thấp và các phương pháp thăm dò chuyên sâu còn chưa phổ biến. Theo Hội Tiêu hóa Châu Âu 2023, chẩn đoán chồng lắp GERD và FD cần loại trừ các dấu hiệu báo động, chú ý tới tình trạng lo âu, trầm cảm và tiếp cận quản lý theo cơ chế bệnh sinh trong đó việc phối hợp giữa nhóm ức chế bơm proton (PPI) và nhóm hỗ trợ nhu động thực quản (prokinetics) đã chứng minh có hiệu quả, đặc biệt ở thể “đầy bụng sau ăn”. Bệnh cạnh đó, liệu pháp tâm lý và các thuốc điều hòa thần kinh cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng cho một số nhóm đối tượng.

 

➖ Tiếp cận quản lý IBD tại Châu Á - PGS.TS.BS. Alex Leow (Bệnh viện Pantai, Kuala Lumpur). 

 

PGS.TS.BS. Alex Leow trình bày báo cáo

 

Viêm ruột mạn tính (IBD) là những rối loạn mạn tính do trung gian miễn dịch của đường tiêu hóa và bao gồm hai thể chính là Crohn và Viêm loét đại trực tràng chảy máu. Tỷ lệ IBD tại các quốc gia Châu Á đang ngày một gia tăng có thể do chế độ ăn và lối sống Tây hóa. Dự đoán đến năm 2050, có đến 52,67 triệu người Châu Á mắc IBD. Bệnh nhân IBD ở Châu Á thường có biểu hiện phức tạp hơn so với phương Tây và gặp nhiều thách thức trong chẩn đoán, quản lý bệnh. Những liệu pháp điều trị IBD tiên tiến như thuốc sinh học, thuốc điều hòa miễn dịch và thuốc phân tử nhỏ đang ngày một phát triển. Tuy nhiên, các liệu pháp này cũng có một số hạn chế như giá thành cao, khả năng mất đáp ứng và cần nhiều dữ liệu hơn nữa để chứng minh được mức độ an toàn khi sử dụng trên bệnh nhân Châu Á. Vì vậy, các thuốc thông thường kết hợp với sự tuân thủ điều trị vẫn là giải pháp đang được ưa chuộng, đặc biệt là ở những nơi có nguồn lực hạn chế. Bên cạnh đó, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng để đạt được quả điều trị tối ưu nhất. Ngoài ra, siêu âm ruột cũng là một ứng dụng lâm sàng tiềm năng trong chẩn đoán, theo dõi mức độ hoạt động bệnh, theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện biến chứng.

 

➖ Kết quả ứng dụng Pillcam và Nội soi ruột non trong chẩn đoán một số bệnh lý ruột non - BS. Đinh Duy Hải (Phòng khám Đa khoa Hoàng Long) - GS.TS.BS. Đào Văn Long (Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa - Gan mật). 

 

GS.TS.BS. Đào Văn Long trình bày báo cáo

 

Tại Việt Nam, nội soi ruột non chưa phổ biến do một số yếu tố như giá thành và cơ sở vật chất kỹ thuật. Phòng khám Đa khoa Hoàng Long đã bắt đầu ứng dụng nội soi ruột non từ năm 2021 với Bóng kép thế hệ mới của Fuijifilm và đến năm 2024 là nội soi viên nang Pillcam SB3 với các đặc tính nổi trội như an toàn, dễ thực hiện, không cần gây mê, tỉ lệ đi hết ruột non cao và có thể chỉ định cho cả trẻ em và người cao tuổi.

Phòng khám Đa khoa Hoàng Long đang tiến hành một nghiên cứu nhằm mô tả hình ảnh nội soi và đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân được chỉ định nội soi ruột non bằng viên nang Pillcam SB3. Kết quả bước đầu trên 47 bệnh nhân cho thấy khoảng 90% phát hiện tổn thương ruột non, trong đó, 51% loét ruột non, 9% viêm ruột non, 9% u ruột non, 7% xuất huyết ruột non, 2% đa polyp ruột non và 2% áp xe ruột non. Hầu hết các bệnh nhân đều có thời gian đào thải viên nang đúng kỳ vọng.

Như vậy, viên nang Pillcam SB3 được đánh giá bước đầu là tương đối an toàn, tai biến thấp, xác định được vị trí trí tương đối của tổn thương và phân loại được dạng tổn thương. Việc kết hợp thăm khám, nội soi dạ dày - đại tràng, chẩn đoán hình ảnh giúp cho chỉ định nội soi ruột non bằng viên nang chính xác và hiệu quả hơn.

 

🔰 Phiên 2 với chủ đề “Cập nhật các tiến bộ mới trong lĩnh vực gan mật và ứng dụng microbiome”. Nội dung bao gồm: 

➖ Cập nhật về thay đổi tên gọi và quản lý bệnh gan nhiễm mỡ liên quan tới chuyển hoá (MASLD - MAFLD 2024) - GS.TS.BS. Robert Gareth Gish (Trường Đại học Y khoa thuộc Đại học Nevada, Las Vegas). 

 

Ngày nay sự thay đổi lối sống và môi trường đã dẫn đến sự gia tăng các bệnh chuyển hóa, đặc biệt là gan nhiễm mỡ, gây nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh gan. Thuật ngữ MASLD đã được đồng thuận sử dụng thay thế cho NAFLD và NASH để phản ánh rõ hơn bản chất bệnh lý. MASLD (bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa) gồm gan nhiễm mỡ do chuyển hóa (MAFLD) và gan nhiễm mỡ do rượu (ALD). Bệnh có thể chẩn đoán bằng các phương pháp không xâm lấn như siêu âm. Điểm APRI, FIB-4 và đo độ đàn hồi gan được khuyến nghị để đánh giá mức độ xơ hóa gan và phân tầng rủi ro để can thiệp kịp thời. Các phương pháp quản lý gan nhiễm mỡ gồm có giảm cân, chế độ ăn ít đường và chất béo bão hòa, tăng cường vận động, và bổ sung probiotics. Một số thuốc điều trị và các phương pháp mới như liệu pháp kết hợp và chất chủ vận kép đang được phát triển. Việc chăm sóc toàn diện bệnh nhân, như bác sĩ nội tiết, chuyên gia dinh dưỡng, và tâm lý có vai trò quan trọng để hỗ trợ bệnh nhân.

 

➖ Vai trò của hệ Microbiome và ứng dụng trong thực hành lâm sàng bệnh lý tiêu hoá  - PGS.TS.BS. Sunny Wong (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore). 

 

PGS.TS.BS. Sunny Wong trình bày báo cáo

 

Có đến 40 nghìn tỉ vi sinh vật sinh sống trên và trong cơ thể chúng ta, trong đó 95% cư trú tại đường tiêu hóa tạo nên Hệ vi sinh vật đường ruột (HVSVĐR). Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất và điều hòa miễn dịch của cơ thể. Mất cân bằng hệ vi sinh vật đã được chứng minh có liên quan đến nhiều bệnh lý bao gồm viêm ruột mạn tính, nhiễm trùng đường tiêu hóa, ung thư ruột và các bệnh lý về não, phổi, gan, da, mô mỡ,… Do vậy, HVSVĐR có tiềm năng ứng dụng lớn trong chẩn đoán, quản lý bệnh tật thông qua các dấu ấn sinh học vi sinh để sàng lọc, tiên lượng và dự đoán đáp ứng điều trị. Hơn nữa, việc điều chỉnh HVSVĐR cũng có tiềm năng trong điều trị và phòng chống bệnh tật. Các biện pháp điều chỉnh hệ HVSVĐR là can thiệp vào chế độ ăn, sử dụng probiotic và cấy ghép vi sinh vật trong phân (FMT). Trong đó, liệu pháp FMT được đánh giá là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để thay đổi HVSVĐR. Hiện nay, FMT được chỉ định cho tình trạng Clostridioides difficile với hiệu quả chữa khỏi có thể lên đến 90% và liệu pháp này đang được nghiên cứu để có thể ứng dụng trong một số bệnh khác như IBD, IBS, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, các rối loạn chuyển hóa và các rối loạn tâm thần kinh.

 

➖ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm điện thoại thông minh trong quản lý bệnh gan trên thế giới và tại Việt Nam - PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng (Giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

 

PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng trình bày báo cáo

 

Bệnh gan mạn tính đang tạo ra gánh nặng toàn cầu, trong đó viêm gan vi rút là bệnh có gánh nặng lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay còn tồn tại nhiều khoảng trống trong quản lý viêm gan B (VGB) tại Việt Nam, trong đó kể đến tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán, điều trị và tỷ lệ tuân thủ điều trị thấp. Người bệnh VGB còn gặp nhiều rào cản ở các giai đoạn xét nghiệm, liên kết điều trị và điều trị lâu dài khiến bệnh nhân có thể không đạt hành trình điều trị lý tưởng.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng ở nhiều khía cạnh khác nhau như chẩn đoán, hỗ trợ đưa ra quyết định điều trị, tiên lượng đáp ứng và thời gian sống thêm. Trong tương lai, AI được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhằm can thiệp ngay từ giai đoạn sớm, tối ưu hóa lựa chọn điều trị và can thiệp trong đánh giá điều trị để phát hiện sớm tái phát từ đó thay đổi chiến lược tiếp cận. Tại Việt Nam DrAid™ CT Ung thư gan đã được phát triển và sử dụng để phát hiện và phân loại tổn thương ung thư trên hình ảnh CT có độ chính xác tương đối cao. Hội Gan Mật Việt Nam cũng đã xây dựng khuyến cao sử dụng AI trong quản lý bệnh gan mật.

Các phần mềm điện thoại thông minh đã được phát triển nhằm cung cấp kiến thức và quản lý từ xa cho người bệnh. Tại Việt Nam, ứng dụng HBVCare với các tính năng chính như giáo dục sức khỏe, nhắc nhở, khảo sát sức khỏe, hồ sơ khám bệnh và chia sẻ hồ sơ cho bác sĩ sẽ là công cụ để bệnh nhân tự theo dõi tình trạng của mình và góp phần cải thiện mối liên kết bệnh nhân với cơ sở y tế từ đó nâng cao tuân thủ điều trị.

 

 

Ứng dụng HBVCare được ra mắt và giới thiệu tới người dùng

 

👉 Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cũng đã giới thiệu ứng dụng HBVCare, một công cụ hỗ trợ người bệnh viêm gan B trong việc quản lý tình trạng sức khỏe của mình. Ứng dụng này không chỉ giúp người bệnh theo dõi các chỉ số sức khỏe một cách chủ động, mà còn cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy về viêm gan B, góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện mối liên hệ giữa bệnh nhân và cơ sở y tế.

 

🔰 Hội nghị "CẬP NHẬT CÁC TIẾN BỘ MỚI TRONG QUẢN LÝ BỆNH TIÊU HOÁ VÀ GAN MẬT" lần này được tổ chức nhằm đánh dấu 6 năm thành lập và hoạt động của viện cũng như để xác định những hướng phát triển trong hoạt động nghiên cứu và thực hành lâm sàng của viện. Đồng thời cũng mong muốn tìm cơ hội hợp tác với các bạn đồng nghiệp, các đơn vị y tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực Tiêu hóa - Gan mật.

 

 

 

Các chuyên gia, bác sĩ, khách mời chụp ảnh kỉ niệm hội nghị

 

💞 Viện Nghiên cứu & Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật và Phòng khám đa khoa Hoàng Long xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới các vị khách quý, các thầy cô, các anh chị đồng nghiệp, các chuyên gia, các đơn vị báo chí đã dành thời gian đến tham dự Hội nghị khoa học lần này của chúng tôi. Hy vọng rằng trong thời gian không xa, Viện nghiên cứu & Đào tạo gan mật sẽ có thêm nhiều cơ hội được hợp tác cùng các đồng nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế nhằm đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật.

 

===============

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HOÀNG LONG

📱 Zalo: 0986954448

📞 19008904 - 024 3202 2331 - 024 6281 1331 - 024 6281 1337

🗓 Thời gian làm việc:7h00 - 17h | Thứ 2 - Thứ 7

🏥 Cơ sở 1: Tầng 10, Tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội

🏥 Cơ sở 2: Tầng 18, Tòa tháp Coninco, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội

🌐 Website: www.hoanglongclinic.vn

 


Đăng ký khám