Với sự tham gia của gần 400 bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên và các nhà khoa học, chuyên gia đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Hội nghị không chỉ cung cấp những thông tin bổ ích về kết quả các nghiên cứu đã tiến hành tại Viện mà còn là cơ hội để mở rộng giao lưu, hợp tác và phát triển các ý tưởng mới.
GS, TS Tạ Long (bên trái) và GS, TS Nguyễn Khánh Trạch (bên phải) tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS, TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật; Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Chuyên gia cao cấp Phòng khám Đa khoa Hoàng Long cho biết, bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu bệnh tật của người Việt Nam như: Viêm loét dạ dày-tá tràng do Helicobacter pylori, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản, xơ gan, viêm gan virus, và các loại ung thư tiêu hóa và gan mật. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hoá, Gan mật đã làm chủ được kỹ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM), hoàn thiện kỹ thuật đo áp lực hậu môn-trực tràng độ phân giải cao (HRAM), đo pH-trở kháng 24 giờ và test thở hydrogen xác định tình trạng không dung nạp lactose và quá phát vi khuẩn ruột non; triển khai các kỹ thuật mới như đo điện dẫn suất niêm mạc thực quản và kỹ thuật phát hiện và định lượng nồng độ pepsin trong nước bọt (PepTest); triển khai công nghệ nội soi nhuộm màu ảo, nội soi phóng đại để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa như Barrett thực quản, viêm thực quản trào ngược, đặc biệt là phát hiện các tổn thương ung thư sớm ở đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, Viện tiến hành nghiên cứu và áp dụng các phương pháp nội soi điều trị can thiệp như cắt khối u dưới niêm mạc thực quản và thắt trĩ bằng nội soi ống mềm, mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh... Trong thời gian tới, khi những kỹ thuật này được đưa vào ứng dụng rộng rãi, người bệnh sẽ có thêm nhiều cơ hội được đánh giá và tầm soát các bệnh lý về chức năng và bài tiết đường tiêu hóa.
GS, TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật báo cáo tại hội nghị
Theo TS Đào Việt Hằng, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra trong y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động và tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay. Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật là đơn vị đầu tiên, tiên phong phối hợp với đối tác bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa và những kết quả bước đầu cho thấy đây là một hướng đi khả quan. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu và hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định và ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo.
Các đại biểu chụp hình kỷ niệm
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo khoa học của các giáo sư đầu ngành về Tiêu hóa, Gan mật: GS, TS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam; GS, TS Tạ Long, Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam; GS, TS Phạm Thị Minh Đức, Phó chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam; PGS, TS Phạm Thị Thu Hồ, Chủ tịch Hội tiêu hóa Hà Nội; GS, TS Đào Văn Long, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Chuyên gia cao cấp Phòng khám Đa khoa Hoàng Long
Đặc biệt, tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày về kết quả ứng dụng của các kỹ thuật thăm dò chức năng đường tiêu hóa trong bệnh co thắt tâm vị, trào ngược dạ dày-thực quản, kém hấp thu lactose và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, bao gồm bệnh nấm thực quản, tình trạng lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori trong gia đình và phương hướng điều trị, cắt khối u dưới niêm mạc thực quản, thắt trĩ qua nội soi ống mềm. Trong đó, báo cáo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi tiêu hóa đã thu hút sự quan tâm, chú ý của rất nhiều chuyên gia. Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị cũng trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm cũng như khả năng áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới trong lĩnh vực tiêu hóa và gan mật tại Việt Nam.
Về điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori trong gia đình, GS, TS Đào Văn Long, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết: Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và là yếu tố nguy cơ cao của ung thư dạ dày. Việt Nam là khu vực có tỷ lệ người nhiễm cũng như tỷ lệ kháng kháng sinh tương đối cao đặt ra nhiều thách thức trong quá trình điều trị.
Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu về vi khuẩn HP dựa trên cá thể của từng bệnh nhân, quan hệ huyết thống của bệnh nhân đó đối với những người thân trong gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ nhiễm HP trong gia đình này cao hơn tỷ lệ nhiễm chung, đặc biệt là trẻ em. Cụ thể: tỷ lệ nhiễm HP (+) chung: 85,9% trong khi tỷ lệ nhiễm HP (+) ở trẻ em dưới 8 tuổi là 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ ở các nước phát triển, trẻ em là đối tượng nhiễm HP rất thấp - người lớn chiếm khoảng 80% thì trẻ em chỉ khoảng 20%.
Như vậy, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP cao nhất, đặc biệt là trong những gia đình có người thân cận huyết thống mắc H.p. Điều này phần nào có thể hiểu được do thói quen sinh hoạt chung, dùng chung chén, đũa bát trong gia đình, công tác vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng.
Nguồn: Quân đội nhân dân
Thông tin liên hệ tới Phòng khám Đa Khoa Hoàng Long
- Địa chỉ: CS1: Tầng 10 Tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
CS2: Tầng 18 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
- Hotline: 19008904| 024 628 11 331
- Nhắn tin Zalo: 0986954448
- Fanpage: www.facebook.com/phongkhamdakhoahoanglong