Đo áp lực nhu động thực quản để làm gì?

1. Đo áp lực nhu động thực quản là gì?

Thực quản là một ống cơ kéo dài từ cổ họng tới dạ dày. Một số thành phần quan trọng trong quá trình nuốt bao gồm cơ thắt thực quản trên và cơ thắt thực quản dưới. Khi bạn nuốt, cơ thắt thực quản trên mở ra, thức ăn xuống thực quản, sau đó cơ thắt thực quản dưới mở ra, vận chuyển thức ăn từ thực quản xuống dạ dày.

Đo áp lực nhu động thực quản HRM là gì?

Ảnh minh họa: Đo áp lực nhu động thực quản HRM là gì?

Đo áp lực nhu động thực quản (HRM) là một kỹ thuật giúp khảo sát chức năng thực quản của bạn có hoạt động bình thường hay không bằng cách đo các cơn co bóp của thực quản và sự phối hợp của các cơ thực quản trong quá trình vận chuyển thức ăn đến dạ dày của bạn. Kỹ thuật này dùng trong chẩn đoán bạn có bị trào ngược dạ dày thực quản hay ko, hay lầm tưởng với các bệnh lý khác. Từ đó giúp các bác sĩ có phương pháp điều trị kịp thời và hợp lý.

2. Kỹ thuật đo áp lực nhu động thực quản thực hiện như thế nào?

Kĩ thuật HRM sử dụng một dây đo (Catheter) có các thụ thể cảm nhận áp lực. Dây được đưa qua mũi, xuống thực quản và vào dạ dày của bạn. Thông qua màn hình hiển thị bản ghi với 24 kênh áp lực dọc theo catheter và bản đồ màu sắc giúp xác định rõ ràng các vùng của cơ thắt thực quản trên, cơ thắt thực quản dưới, lực co bóp của các nhịp nuốt cũng như áp lực vùng dạ dày phía dưới. Phép đo áp lực thực quản có thể hữu ích trong việc chẩn đoán một số rối loạn có thể ảnh hưởng đến chức năng thực quản của bạn.

 

đo áp lực nhu động thực quản, đo HRM, HRM, áp lực nhu động thực quản

  Ảnh: Bản ghi của kĩ thuật đo áp lực và nhu động thực quản HRM với 24 kênh áp lực dọc theo catheter và bản đồ màu sắc.

3. Những ai nên đo áp lực nhu động thực quản

Bác sĩ có thể chỉ định bạn đo áp lực nhu động thực quản nếu bạn đang có các triệu chứng có thể liên quan đến rối loạn nhu động thực quản, có các triệu chứng (có vẻ) giống với triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Nếu triệu chứng chính của bạn là khó nuốt hoặc đau khi nuốt, bác sĩ có thể chỉ định một số kiểm tra khác, chẳng hạn như chụp X-quang thực quản hoặc nội soi đường tiêu hóa trên. Các kỹ thuật này xác định hoặc loại trừ tình trạng hẹp hoặc viêm thực quản.

Phép đo áp lực nhu động thực quản có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán:

• Co thắt thực quản lan tỏa: Vấn đề nuốt hiếm gặp này được đặc trưng bởi các cơn co thắt cơ thực quản nhiều lần, mạnh mẽ và phối hợp kém.

• Xơ cứng bì. Đây là một bệnh lý tự miễn hệ thống hiếm gặp, gây tổn thương đến nhiều cơ quan, với biểu hiện xơ và cứng da. Ở nhiều người mắc bệnh tiến triển hiếm gặp này, chức năng co bóp của thực quản cũng như các cơ của thực quản có thể bị suy giảm, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng.

• Co thắt tâm vị: đây là tình trạng khả năng giãn của cơ thắt thực quản dưới bất thường, dẫn đến tình trạng thức ăn từ thực quản không vận chuyển xuống dạ dày, gây ứ đọng, HRM là phương pháp chẩn đoán sớm, có giá trị trong lựa chọn phương pháp điều trị như điều trị bằng thuốc nội khoa, nong thực quản hoặc cần phải phẫu thuật.

• Xác định vị trí cơ thắt thực quản dưới để phục vụ đo pH-trở kháng thực quản 24 giờ. Hiện tại, phương pháp đo pH-trở kháng thực quản 24 giờ được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định tình trạng GERD.

• Trước và sau các phẫu thuật tác động đến cơ thắt thực quản dưới.

• Nếu bạn bị đau ngực không liên quan đến tim, bạn có thể nên áp dụng phương pháp đo thực quản nếu bạn không đáp ứng với điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

• Nếu bạn đã được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nhưng không đáp ứng với điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định

• Bệnh nhân có tiền sử mổ cắt đoạn thực quản, đang nghi ngờ hoặc chẩn đoán ung thư thực quản, có hẹp thực quản hoặc bệnh lí mũi họng không đưa catheter vào được, xuất huyết tiêu hóa trên, xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch cửa (giãn tĩnh mạch thực quản).

• Phụ nữ có thai.

• Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và hô hấp nặng.

• Bệnh nhân có bệnh lý tâm thần hoặc thần kinh không hiểu được hoặc không làm theo hướng dẫn của kĩ thuật viên.

• Bệnh nhân lơ mơ, suy giảm ý thức.

4. Quy trình đo áp lực nhu động thực quản tại PKĐK Hoàng Long

Kỹ thuật này được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú mà không cần dùng thuốc an thần. Hầu hết mọi người đều chịu đựng tốt. Bạn có thể được yêu cầu thay áo choàng bệnh viện trước khi bắt đầu xét nghiệm.

• Bước 1: Bạn được hướng dẫn ngồi lên bàn khám. Điều dưỡng sẽ xịt thuốc tê vào cổ họng của bạn hoặc đặt gel làm tê vào mũi của bạn hoặc cả hai

• Bước 2: Một dây đo áp lực được dẫn qua mũi vào thực quản của bạn. Trong quá trình đặt dây đo, bạn có thể cảm thấy kích thích vùng hầu họng, cảm thấy buồn nôn, nôn. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ qua đi khi dây đo đi qua vùng hầu họng. 

• Bước 3: Sau khi đặt dây đo áp lực, bạn sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn khám hoặc giữ nguyên tư thế ngồi. Sau đó bạn nuốt từng ngụm nước nhỏ. Bạn sẽ được đo ít nhất 10 nhịp nuốt, mỗi nhịp nuốt uống 5mL nước. Khi bạn làm như vậy, một máy tính được kết nối với dây đo áp lực sẽ ghi lại áp lực, tốc độ và kiểu co thắt cơ thực quản của bạn. Trong quá trình kiểm tra, bạn sẽ được yêu cầu thở chậm và nhẹ nhàng, giữ yên càng nhiều càng tốt và chỉ nuốt khi được yêu cầu.

• Bước 4: Điều dưỡng có thể di chuyển dây đo áp lực lên hoặc xuống dạ dày của bạn trong khi dây đo áp lực tiếp tục đo.

• Bước 5: Kết thúc quá trình đo, điều dưỡng sẽ giúp bạn rút dây đo áp lực từ từ.

Quy trình thực hiện kiểm tra sẽ kéo dài khoảng 10 phút. Khi quá trình đo áp lực thực quản hoàn tất, bạn có thể trở lại các hoạt động bình thường. Hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kết quả và đánh giá tình trạng của bệnh.

Bệnh nhân bắt đầu thực hiện đo áp lực nhu động thực quản tại PKĐK Hoàng Long

Bệnh nhân bắt đầu thực hiện đo áp lực nhu động thực quản tại PKĐK Hoàng Long

Hiện nay tại Việt Nam có rất ít cơ sở y tế áp dụng kỹ thuật đo áp lực nhu động thực quản HRM. Phòng khám Đa khoa Hoàng Long là một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu và đưa kỹ thuật này vào quy trình khám chữa bệnh tại phòng khám. Bên cạnh nội soi dạ dày - thực quản bằng công nghệ cao, kỹ thuật HRM đã góp phần hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ trong việc tìm ra bệnh lý đường tiêu hóa trên.

Theo GS.TS.Đào Văn Long - Nguyên Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện Bạch mai, Nguyên Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà NộI, Chuyên gia cao cấp tại PKĐK Hoàng Long << Nội soi dạ dày thực quản công nghệ cao và kỹ thuật đo HRM là hai phương pháp có giá trị chẩn đoán riêng, không thể thay thể lẫn nhau mà có tác dụng hỗ trợ nhau trong phát hiện bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản giai đoạn sớm, hay phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự>>. T   đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị tích cực nhất theo từng đặc điểm bệnh nhân, có thể điều trị nội khoa hay cần can thiệp ngoại khoa. 

Thông tin liên hệ tới Phòng khám Đa Khoa Hoàng Long

- Địa chỉ:

CS1: Tầng 10 Tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024 628 11 331

CS2: Tầng 18 Toà nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024 320 22 331

- Hotline: 19008904

- Zalo: 0986954448

- Fanpage: www.facebook.com/phongkhamdakhoahoanglong


Đăng ký khám