Việt Nam nghiên cứu sâu về hệ vi khuẩn chí đường tiêu hóa

Việc đưa lợi khuẩn can thiệp trực tiếp vào trong cách thức điều trị của một số bệnh về tiêu hóa là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát các bệnh lý này. Vì thế, những nghiên cứu về hệ vi khuẩn đường tiêu hóa sẽ giúp xác định các chủng vi sinh vật chủ yếu của từng loại bệnh, để sử dụng các lợi khuẩn trúng đích.

GS, TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật

GS, TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật; Chuyên gia cao cấp tại Phòng khám Đa khoa Hoàng Long

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiêu hóa trong và ngoài nước tới từ các viện nghiên cứu hàng đầu của các nước Anh, Brazil, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc…, sáng 29-9, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu” (Bridging Basic and Clinical Science for Gut Health) cung cấp nhiều thông tin quý giá về vai trò của hệ vi khuẩn chí đường ruột trong các bệnh lý tiêu hóa.

Bệnh viêm đường tiêu hóa đang gia tăng nhanh ở châu Á

Theo GS, TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, thành phần và sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật của con người. Các bệnh của đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, ung thư, bệnh về chuyển hóa, cũng như các rối loạn tâm thần, thậm chí là béo phì... có liên quan chặt chẽ với các vi sinh vật nhỏ bé này.

GS, TS Hidemi Goto (Giám đốc Quỹ Y tế công và Phát triển nhân lực, Giáo sư Đại học Nagoya, Giám đốc Bệnh viện Meijo, Nhật Bản) cho biết, bệnh viêm đường ruột (IBD) đang gia tăng nhanh ở Nhật Bản và châu Á. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống của người bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt nhiều khiến mất cân bằng dinh dưỡng. Trước đây, bệnh lý này xuất hiện nhiều tại các nước châu Âu nhưng giờ là một bệnh lý gia tăng tại các nước châu Á. Là một bệnh lý mạn tính, không thể điều trị triệt để, việc nghiên cứu các loại thuốc điều trị bệnh viêm ruột mãn tính rất cần thiết.

  GS, TS Hidemi Goto, Giám đốc Quỹ Y tế công và Phát triển nhân lực, Giáo sư Đại học Nagoya, Giám đốc Bệnh viện Meijo, Nhật Bản

GS, TS Hidemi Goto, Giám đốc Quỹ Y tế công và Phát triển nhân lực, Giáo sư Đại học Nagoya, Giám đốc Bệnh viện Meijo, Nhật Bản

Trong thời gian gần đây, microbiota của hệ tiêu hóa đã trở thành một vấn đề thời sự trong y học, thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu về vi sinh, sinh hóa, sinh học phân tử, tin sinh học và cả trong khám chữa bệnh của các bác sĩ. Các ứng dụng hiện nay của microbiota trong đời sống và thực hành lâm sàng là rất đa dạng, điển hình là việc sử dụng các lợi khuẩn (probiotic) ở Việt Nam đang là một chủ đề khoa học khá mới mẻ.

Hiện nay, Việt Nam đã đưa vi khuẩn chí đường ruột (microbiome) vào can thiệp một số bệnh lý như loét dạ dày tá tràng. Ngoài sử dụng thuốc ức chế a xít và kháng sinh, việc bổ sung vi khuẩn lợi khuẩn trong điều trị bệnh này đã làm giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Microbiom cũng được sử dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy.

Hướng nghiên cứu mới của Việt Nam về microbiome

GS, TS Đào Văn Long nhấn mạnh, thực tế, Việt Nam có rất ít nghiên cứu về hệ vi khuẩn đường tiêu hóa. Chúng ta chưa có những nghiên cứu xác định chủng vi sinh vật chủ yếu, chưa có ngân hàng về gen của hệ vi sinh vật.

Vì thế, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu và các bác sĩ tiêu hóa là cần xác định các chủng chính trong hệ vi sinh đường tiêu hóa của người Việt; Hệ gen và việc xây dựng ngân hàng gen của những chủng vi sinh vật này, các bệnh lý liên quan đến hệ vi sinh đường ruột; vấn đề sử dụng các probiotic (các lợi khuẩn), các prebiotic (các chất giúp lợi khuẩn phát triển), simbiotic (lợi khuẩn kết hợp với chất giúp lợi khuẩn phát triển), trong đời sống và trong thực hành lâm sàng.

“Đây là một vấn đề mà chúng tôi đang nghiên cứu, với sự kết nối của nhiều ngành khoa học như vi sinh, dịch tễ học và lâm sàng. Nghiên cứu sâu này giúp chúng ta hiểu biết về chủng loại vi khuẩn thường hay mắc ở người Việt Nam, để tìm ra mối liên hệ giữa sự rối loạn các biến đổi của vi khuẩn với bệnh tật cụ thể. Kết quả của những nghiên cứu này sẽ hướng tới việc đưa lợi khuẩn can thiệp trực tiếp vào trong cách thức điều trị của một số bệnh”, GS Long cho hay.

      TS Đào Việt Hằng

TS Đào Việt Hằng

TS Đào Việt Hằng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, viện đang hợp tác với Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ để nghiên cứu về vi khuẩn chí đường ruột ở nhiều vị trí tiêu hóa khác nhau với sự tham gia của 300 người khỏe mạnh. Sau đó, viện sẽ nghiên cứu nhóm đối tượng khoảng 100 người bệnh về bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật phối hợp với Đại học Essex, Vương quốc Anh đã thành công trong việc xin tài trợ từ quỹ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Y học Anh quốc (AMS) cho một dự án nhằm triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu microbiome ở bệnh nhân IBD tại Việt Nam.

“Mục đích nghiên cứu của chúng tôi để xây dựng cơ sở dữ liệu về quần thể người Việt Nam khỏe mạnh, tiến tới nghiên cứu trên từng bệnh lý cụ thể. Hướng tiếp cận này sẽ trả lời câu hỏi liên quan đến sinh bệnh học cũng như sự khác biệt về đặc điểm dịch tễ lâm sàng các bệnh lý tiêu hóa. Từ đó, giúp các nhà lâm sàng tối ưu hóa điều trị”, TS Hằng cho hay.

GS, TS Hidemi Goto đánh giá, việc thiết lập mạng lưới microbiome toàn cầu để tạo ra sự hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực này rất quan trọng. “Chúng ta phải tập trung vào những yếu tố tạo nên nguyên nhân gây bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau liên quan thói quen ăn uống hằng ngày. Dựa trên nghiên cứu của từng quốc gia, có thể tìm nguyên nhân chính xác cho căn bệnh như bệnh viêm đường ruột mạn tính tại châu Á”, GS cho hay.

GS, TS Hidemi Goto cũng nhấn mạnh, thành công của Nhật Bản trong việc kiểm soát bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm ruột là nhờ phát hiện sớm. Và ông cũng tin rằng, Việt Nam đang ngày càng phát triển hơn trong lĩnh vực này với việc kiểm soát, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Hội nghị khoa học quốc tế “Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu” tập trung vào các vấn đề lớn: Các hướng chính về Microbiota đối với sức khỏe và bệnh tật của người ở Việt Nam, đặc biệt là bệnh lý về đường tiêu hóa, gan mật; Vai trò của việc thu thập bộ dữ liệu lớn về gen (ngân hàng gen) của hệ vi sinh đường ruột và các kỹ thuật giải trình tự gen - Mối tương tác của bộ gen vi sinh vật đường ruột với bộ gen của con người; Bệnh lý viêm ruột mạn tính và liên quan của hệ vi sinh đường ruột cũng như tình hình kiểm soát căn bệnh này tại Việt Nam và một số nước trong khu vực; Thảo luận cách thức và những bước đi hướng tới việc thiết lập một mạng lưới quốc tế về Microbiota

Hội nghị là một trong những bước đi đầu tiên tạo ra cầu nối trong việc ứng dụng các thành tựu giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và thực hành trong lâm sàng về microbiota tại nước ta nhằm đóng góp một cách thiết thực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Thông tin liên hệ tới Phòng khám Đa Khoa Hoàng Long
- Địa chỉ: Tầng 10 Tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
- Hotline: 19008904| 024 628 11 331
- Nhắn tin Zalo: 0986954448
- Fanpage: https://www.facebook.com/phongkhamdakhoahoanglong/


Đăng ký khám